Nguồn gốc, tên gọi Trưng_Nhị

Bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đề cập đến Trưng Nhị là Đại Việt sử lược. Theo sách này, Trưng Nhị là em của Trưng Trắc, con gái Lạc tướng ở Mê Linh[1].

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trưng Nhị vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh[2]. Truyền thuyết xác nhận quê nội Hai Bà ở làng Hạ Lôi và quê ngoại hai Bà ở làng Nam Nguyễn thuộc Ba Vì, Hà Nội[3]. Mẹ Hai Bà là Man Thiện, được thần phả ghi tên là Trần Thị Đoan.

Tuy nhiên, theo các sử gia hiện đại, thời đầu công nguyên, người Việt chưa có họ. Tên của bà, có nguồn gốc từ nghê dệt lụa truyền thống của Việt Nam. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén kém hơn gọi là kén nhì; trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài kém hơn gọi là trứng nhì. Do đó, theo các sử gia tên Trưng Nhị vốn là Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Nhị[4]. Khi chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện thấm sâu vào nhận thức xã hội thì xu hướng đặt tên người rất giản dị và mộc mạc, thể hiện sự gắn bó với cuộc sống đời thường và xu hướng này còn tiếp tục trong các thế hệ sau[5].